Đăng trong My life, My secrets

Fintech và câu chuyện hoãn IPO của Ant group

Viết bởi: JennyTa (vui lòng không mang đi khi chưa xin phép)

PHẦN 1: MỌI THỨ VỀ FINTECH

1. NGUỒN GỐC

Cùng với cuộc Cách mạng Khoa học – công nghệ hiện đại (CM công nghiệp lần thứ 3 hay CM kỹ thuật số) diễn ra vào cuối TK 20, công nghệ thông tin đã trở thành 1 trong 4 trụ cột chính, đánh dấu sự khởi đầu của Kỷ nguyên thông tin & sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Bước sang TK 21, cùng với sự vận động của nền kinh tế tri thức, công nghệ kỹ thuật số được phát triển đến 1 cấp độ hoàn toàn mới, tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM công nghiệp 4.0).

Cuộc CM này được biểu hiện thông qua sự vượt trội của công nghệ thông tin (CNTT) & Internet, giúp “thông minh hóa” từ xưởng sản xuất đến các sản phẩm & các chuỗi cung ứng, khiến cho toàn bộ hệ thống sản xuất & dịch vụ trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

CNTT đã và đang tiến quân vào mọi lĩnh vực, mọi khu vực trên thế giới & mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Tất nhiên, ngành Tài chính – ngân hàng cũng không nằm ngoài làn sóng đổ bộ này. Các ứng dụng CNTT như những đội quân tiến công liên tiếp làm thay đổi toàn bộ hệ thống cung ứng & vận hành của các dịch vụ tài chính vốn có. Fintech là một trong số những đội quân đó.

Fintech = Finance + Technology, thường được gọi là “công nghệ tài chính”.

Giải thích một cách đơn giản, Fintech là sự tận dụng các sáng tạo công nghệ để sử dụng trong các dịch vụ tài chính. Fintech không bắt nguồn từ những hệ thống tiền tệ hiện có mà đánh dấu sự xâm lấn của IT vào những hệ thống tiền tệ đó.

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP:

Một công ty tài chính áp dụng công nghệ vào vận hành có được gọi là Fintech? – Không. Không ai gọi ứng dụng mobile – banking của T***combank là FinTech cả.

Một công ty CNTT triển khai dịch vụ trong lĩnh vực tài chính mới được gọi là Fintech.
Ant group của Alibaba – case chính của chúng ta sẽ được nhắc đến tại phần 2 của bài viết này

2. SỰ PHÁT TRIỂN

Thuật ngữ này ra đời sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, khi các công ty start up tập trung vào lĩnh vực công nghệ – tài chính lần lượt xuất hiện trên thị trường, kéo theo sự trỗi dậy của những cuộc cách mạng về công nghệ trong lĩnh vực tài chính.

Ban đầu, Fintech được dùng để chỉ hệ thống xử lý dữ liệu (backend) thiết lập mạng lưới người tiêu dùng, áp dụng cho các ứng dụng văn phòng của các ngân hàng hoặc các công ty thương mại. Tuy nhiên, từ cuối thập kỷ đầu tiên của TK 21, thuật ngữ này được dùng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, smart phone, công nghệ điện toán đám mây, các phần mềm mã nguồn mở hoặc tiền mã hóa như Bitcoin nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư

3. CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG LIÊN QUAN:

Khác với thị trường tài chính truyền thống gồm 2 nhóm đối tượng: Các định chế tài chính và khách hàng. Fintech gồm 3 nhóm như sau:

Nhóm 1: Các công ty Fintech: hoạt động độc lập trong lĩnh vực CNTT, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới trong lĩnh vực tài chính

Nhóm 2: Các định chế tài chính (ngân hàng, đầu tư, chứng khoán, công ty tài chính…) hợp tác với các công ty Fintech. Nhóm này có thể trực tiếp đầu tư vào nhóm 1 hoặc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu để chủ động nắm giữ công nghệ mới, chiếm thị phần.

Nhóm 3: Khách hàng: là người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung.

4. CÁC NHÓM SẢN PHẨM CHÍNH

Nhóm 1: các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, các công cụ kỹ thuật số & công nghệ khác nhằm cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc hay tài trợ vốn cho các startup.

Nhóm 2: các sản phẩm công nghệ “back-office” nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các FinTech và các định chế tài chính.


Ngoài ra, FinTech còn cung cấp các dịch vụ trải rộng như: Gọi vốn cộng đồng (crowd-funding); Cho vay ngang cấp (peer to peer lending); Tư vấn tài chính cá nhân (Personal Finance); Công nghệ bảo hiểm (Insur-Tech); Tiền tệ số (Crypto Blockchain); Quản trị dữ liệu (Data Management),

5. VÌ SAO FINTECH TRỞ NÊN “NÓNG SỐT:

“Fintech có thể tái định hình ngành tài chính” – đây là khẳng định chắc nịch của nhiều nhà nghiên cứu & các công ty lớn trong ngành. Trên thực tế, Fintech đã & đang tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này.

Hiện tại các công ty cho vay P2P (loại hình kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) đang thể hiện rõ khả năng rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ. Điều này kéo theo các tác động về lâu dài như sau:

– Thay đổi hệ thống kênh phân phối & các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống: Digital banking, mobile banking, tablet banking, các kênh TMĐT… Đặc biệt là sự giảm vai trò của các chi nhánh ngân hàng truyền thống

– Ứng dụng công nghệ cao: Điển hình là Big data đang khẳng định vị trí & tầm quan trọng trong mọi vị trí

– Thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính thay đổi: công nghệ sẽ thay thế 1 lượng lớn nhân sự hiện tại, các nhân sự chất lượng cao (chuyên môn & CNTT) sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Tuy nhiên, lợi ích luôn đi kèm với rủi ro. Fintech vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến Chính phủ các nước và bản thân các doanh nghiệp tài chính nghi ngại. Điển hình có thể kể đến:

– Các gia đình, cá nhân thu nhập thấp khó tiếp cận các dịch vụ ngân hàng do hạn chế về mặt công nghệ

– Sự đe dọa đến các ngân hàng truyền thống nói riêng và ngành tài chính nói chung.

– Cú đặt cược của các nhà đầu tư. Trên thực tế, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót không ít vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech do nhìn thấy được sự phát triển mạnh mẽ của nó trong tương lai. Tuy nhiên, sự lên xuống bất thường từ cổ phiếu các công ty Fintech khiến tính ổn định trở thành nỗi lo lớn của các nhà đầu tư. Điều này có thể đến từ môi trường bên ngoài hoặc bên trong chính mỗi công ty trong lĩnh vực này

– Sự thuận tiện quá mức của các dịch vụ được cung cấp. Nghe có vẻ ngang trái nhưng đã bao lần bạn click vào 1 thông báo bất kỳ theo phản xạ mà không hề đọc? Điều này khiến bản thân khách hàng không thực sự để tâm tìm hiểu các quyền lợi lẫn nghĩa vụ bản thân. Nó có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn sau này.

– Các vấn đề nói chung về tính an toàn cũng như chính xác của hệ thống tài chính Fintech.

6. TIỂU KẾT

Không chỉ là tín hiệu dẫn đầu Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, Fintech được xem là cú bứt phá lớn trong lĩnh vực tài chính với nhiều thành tựu ở hiện tại & tiềm năng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, dù là xu hướng tất yếu, Fintech hiện vẫn đang trong tầm ngắm và nhận sự đề phòng từ không ít “ông lớn” là Chính phủ các nước cho tới hệ thống ngân hàng truyền thống.

<còn tiếp>

Nguồn tham khảo: Top Dev, Cafe F, Marketing AI, Crypto Viet, Viện Triết học, Tạp chí cộng sản, Wikipedia,

VUI LÒNG XIN PHÉP VÀ CREDIT ĐẦY ĐỦ KHI MANG ĐI

Tác giả:

Welcom to my blog where I share all of my minds

Bình luận về bài viết này